???? Ðiều kiện thích hợp
– Nhiệt độ thích hợp để thỏ sinh trưởng và phát triển là 20 – 28,50C. Nếu nhiệt độ không khí tăng nhanh và kéo dài trên 350C, thì thỏ thở nhanh và nông để thải nhiệt, khi đó thỏ dễ bị cảm nóng. Vì vậy để đảm bảo cho đàn thỏ sinh trưởng phát triển khi nhiệt độ môi trường tăng cao, trong các tháng mùa hè hệ thống chuồng trại cần thông thoáng, đặt thiết bị đo độ ẩm trong chuồng để theo dõi. Lắp đặt các hệ thống phun mưa trên mái, giúp hạ nhiệt khi cần thiết.
– Chăn nuôi thỏ với quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh, nên có hệ thống làm mát bằng dàn mát và quạt thông gió. Nếu nuôi thỏ quy mô gia đình, có thể đặt lồng dưới gốc cây có bóng mát ngoài vườn, đầu nhà, có mái che chống mưa, nắng, gió lùa. Không nên đặt lồng thỏ trong chuồng heo hoặc chuồng gà, vừa ngột ngạt, hôi thối, vừa dễ lây lan dịch bệnh.
– Những ngày trời nắng nóng có thể phun nước lên mái để hạ nhiệt độ, không được để ánh nắng chiếu trực tiếp vào lồng nuôi. Nền chuồng phải luôn khô ráo, được dọn dẹp sạch sẽ hàng ngày, định kỳ phun thuốc khử trùng chuồng nuôi.
???? Chuồng nuôi
– Nuôi nhốt thỏ với mật độ hợp lý. Ðảm bảo khoảng cách giữa các dãy chuồng từ 1 m trở lên, tùy thuộc vào kiểu chuồng kín hay chuồng hở. Ðặt thiết bị đo nhiệt, độ ẩm trong chuồng nuôi để tiện theo dõi điều chỉnh. Sử dụng rơm rạ, trồng cây dây leo che mái hoặc dùng tấm cách nhiệt; Lợp mái bằng tôn lạnh, che tường bằng lưới đen, trồng cây quanh chuồng tạo bóng mát… Lắp hệ thống phun mưa trên mái. Tốt nhất là xây dựng chuồng kín với thiết bị làm mát là quạt hút công nghiệp và tấm làm mát cooling pad. Không nên dùng quạt trần nếu trần nhà không được xử lý cách nhiệt, vì sẽ thổi hơi nóng trên mái xuống lồng thỏ.
– Không nên vận chuyển thỏ khi trời nắng nóng. Khi vận chuyển thỏ đi xa, cần nhẹ nhàng, không làm thỏ hoảng sợ, tốt nhất mỗi con một ngăn thùng. Ðêm trước ngày vận chuyển, không nên cho thỏ ăn quá no. Vận chuyển thỏ khi trời mát.
???? Thức ăn và nước uống
– Vào mùa nắng nóng, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống nóng và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường.
– Thức ăn thô xanh được rửa sạch và không được dự trữ quá lâu ngày. Không dùng cỏ ở những nơi lầy lội và những nơi là bãi chăn thả các loại gia súc khác làm thức ăn cho thỏ. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn.
– Cho thỏ ăn vào lúc mát (sáng sớm và tối) với thức ăn đảm bảo chất lượng, bổ sung thêm rau cỏ tươi hàng ngày. Theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp, loại bỏ thức ăn thừa.
– Nước đặc biệt quan trọng đối với thỏ đẻ và tiết sữa, không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa, thậm chí có thể thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường gluco, vitamin hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.
???? Phòng bệnh
– Ðể hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
– Vệ sinh quét dọn và rửa chuồng mỗi ngày 2 lần. Ðịnh kỳ tẩy uế chuồng trại phun thuốc sát trùng chuồng thỏ, tối thiểu 1 lần/tháng. Ðồng thời dọn chuồng nuôi phải tiến hành vệ sinh máng ăn, dọn ổ đẻ cho thỏ sạch sẽ.
– Theo dõi sát tình trạng sức khỏe của đàn thỏ, phát hiện sớm những con có biểu hiện ho, sổ mũi, tiêu chảy để cách ly chăm sóc, điều trị.
– Tiêm phòng vaccine đầy đủ, theo dõi và điều trị kịp thời một số bệnh: Bại huyết, nấm ghẻ, cầu trùng, Ecoli… trên đàn thỏ.
– Ðối với bệnh bại huyết: Tiêm vaccine để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Ðối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần.
-Ðối với bệnh ghẻ: Nếu thỏ bị ghẻ dùng Ivermectin theo liều hướng dẫn.
-Ðối với bệnh cầu trùng: Phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng chuồng trại.
Nguồn: Người chăn nuôi (Hoàng Yến)